Thông báo

CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TẠI LÂM ĐỒNG: CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ TRONG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Thứ năm - 12/10/2023 10:13

         Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện tại Lâm Đồng được triển khai thí điểm năm 2009 theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng.

         Tính đến năm 2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh là 2.983 tỷ đồng (riêng năm 2022 thu được: 437,9 tỷ đồng). Nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thủy điện (năm 2022: 50 cơ sở) với tỷ trọng thu chiếm hơn 95% tổng thu, một số nhà máy thủy điện như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai 4, Trị An có số tiền nộp trên 35 tỷ đồng/đơn vị/năm.

Trụ sở Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng

         Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch hàng năm đóng góp 5% số thu và số thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp không đáng kể; riêng các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch từ năm 2020 chuyển sang hình thức chi trả trực tiếp.

         Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Lâm Đồng luôn nằm trong 3 tỉnh có số thu cao nhất cả nước và số nợ đọng hàng năm rất ít, hầu như không có.

Hộ nhận khoán tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng chủ rừng

         Với số tiền thu được, hàng năm Lâm Đồng đã chi trả cho hơn 74,00% diện tích rừng toàn tỉnh (400.000 ha/năm), đơn giá chi trả tương đối cao và gấp đôi đơn giá chi trả từ ngân sách cho phần diện tích không cung ứng (năm 2022 đơn giá chi trả: 936.000 đồng/ha - 1.214.000 đồng/ha).

         Đặc thù tỉnh Lâm Đồng, hầu hết chủ rừng có diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường là chủ rừng nhà nước - đối tượng này chiếm hơn 95% diện tích được chi trả, cùng với yếu tố lịch sử để lại và tình hình thực tế đời sống, tập quán canh tác bám vào rừng của đồng bào Tây nguyên các chủ rừng nhà nước đã khoán bảo vệ rừng hơn 90% diện tích này có đến hơn 16.000 hộ và phần tự quản lý không đáng kể. Nguồn thu nhập hàng năm từ nhận khoán bảo vệ rừng của hộ (15 triệu - 20 triệu đồng/hộ/năm) đã góp phần cải thiện sinh kế cho chính họ cũng như hỗ trợ lực lượng hùng hậu cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng và phần nào đó chứng minh được rằng: chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt

         Trong thời gian tới, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, khi mà chi trả dịch vụ môi trường đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và qua quá trình thử nghiệm hiện Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đang trình Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP trong đó có hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ: hấp thụ và lưu trữ Cacbon của rừng - Nếu được thì nguồn thu sẽ tăng và người làm rừng sẽ hưởng lợi nhiều hơn, thể hiện rõ hơn hiệu quả của chi trả.

         Chính sách chi trả và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp ủy Đảng, cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, những đối tượng được điều chỉnh trực tiếp của chính sách: nộp tiền dịch vụ và cung ứng dịch vụ được nâng cao. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, các đối tượng cung ứng có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng và rừng được bảo vệ tốt hơn.


Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt

         Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng nhà nước: nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng nhà nước (từ 10% chi phí quản lý khoán bảo vệ rừng và một phần thu từ diện tích tự quản lý), đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị trong điều kiện kinh phí được cấp còn hạn hẹp. Từ nguồn kinh phí này các chủ rừng chủ động hơn trong việc tổ chức lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc và cùng với lực lượng nhận khoán hùng hậu tổ chức bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

         Có thể nói rằng, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được xem là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có của tỉnh gắn với nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa..

          Cùng với Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định nguồn thu từ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính quan trọng ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh gắn với cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Việc tạo ra nguồn tài chính lớn hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương và nguồn thu này có yếu tố bền vững và không đánh đổi bằng giá trị trực tiếp của rừng là khai thác, bán sản phẩm tài nguyên rừng.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

 

Liên kết
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
 
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tuần hiện tại317
  • Tổng lượt truy cập21557
Hòm Thư Góp Ý
Hòm Thư Góp Ý
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây